Bạn muốn nhập quốc tịch Nhật Bản
Có 3 loại thủ tục nhập tịch là nhập tịch thông thường, nhập tịch đặc biệt (nhập tịch đơn giản), và nhập tịch lớn. Chúng tôi sẽ hướng dẫn về các yêu cầu của nhập tịch thông thường và nhập tịch đơn giản.
Yêu cầu của nhập tịch thông thuờng
Nhập tịch thông thường là phương thức nhập tịch phổ biến nhất. Tất cả các trường hợp không được miễn trừ bất kỳ yêu cầu nào sẽ thuộc nhập tịch thông thường. Có 7 yêu cầu đối với nhập tịch thông thường.
1. Có địa chỉ tại Nhật trong 5 năm liên tục trở lên
Liên tục ở đây có nghĩa là không ra khỏi Nhật Bản trong một thời gian dài. Vậy rời khỏi Nhật Bản bao lâu sẽ trở thành điểm trừ trong hồ sơ?
Trường hợp rời khỏi Nhật Bản trong hơn 3 tháng
Nếu rời khỏi Nhật Bản trong hơn 3 tháng, đây là sẽ một điểm trừ lớn trong quá trình xét hồ sơ. Kể cả các trường hợp bất khả kháng như công tác nước ngoài, chăm sóc cha mẹ, v.v cũng sẽ không được thông cảm.
Trường hợp rời khỏi Nhật Bản tổng cộng trên 200 ngày trong 1 năm
Đây cũng sẽ trở thành một điểm trừ lớn trong quá trình xét hồ sơ. Kể cả khoảng thời gian rời khỏi Nhật Bản không liên tục thì vẫn sẽ là điểm trừ, và trường hợp công tác hoặc chăm sóc cho gia đình cũng sẽ không được thông cảm. Trường hợp công việc có công tác nước ngoài nhiều nhưng bạn vẫn có mong muốn nhập tịch, chúng tôi khuyến khích các bạn nên thảo luận trước với công ty về vấn đề này.
Kinh nghiệm làm việc trên 3 năm
Không chỉ là sinh sống 5 năm liên tục tại Nhật Bản, trên 3 năm làm việc trong khoảng thời gian đó cũng là yêu cầu cần thiết. Kinh nghiệm làm việc ở đây là với tư cách nhân viên công ty chứ không phải là công việc làm thêm. Tuy nhiên, quá trình thẩm tra sẽ trở nên gắt gao hơn đối với trường hợp nhân viên phái cử hoặc nhân viên hợp đồng, do đó trên 3 năm làm việc với tư cách nhân viên chính thức là điều kiện lý tưởng nhất.
2. Trên 20 tuổi và được pháp luật công nhận là người trưởng thành tại nước sở tại
Việc là người trưởng thành tại nước sở tại và Nhật Bản là yêu cầu cần thiết. Đối với Nhật Bản, tuổi trưởng thành là trên 20 tuổi, nhưng tuổi trưởng thành của nước sở tại sẽ khác nhau tuỳ theo đất nước. Đối với Việt Nam, tuổi trưởng thành là 18 tuổi, tuy nhiên do tuổi trưởng thành của Nhật Bản là 20 tuổi, người Việt Nam 19 tuổi sẽ phải chờ đến 20 tuổi để có thể nộp đơn nhập tịch.
Tư cách đạo đức tốt
Quá trình thẩm tra sẽ xem xét đối tượng có thể chấp hành luật pháp và sinh sống mà không làm ảnh hưởng tới người xung quanh hay không, ví dụ như có chậm trễ thanh toán tiền thuế hoặc lương hưu hay không, có tiền án tiền sự hay không, có liên quan tới các thế lực chống đối xã hội hay không, v.v. Đối với trường hợp người đang điều hành công ty, tình trạng thanh toán thuế pháp nhân cũng sẽ được xem xét. Nếu có bất kỳ khoản tiền nào chậm trễ chưa được thanh toán, các bạn hãy nhớ thanh toán hết trước khi nộp hồ sơ. Việc tự giác thanh toán trước đương nhiên sẽ giúp các bạn có một ấn tượng tốt hơn là thanh toán sau khi đã bị phát giác. Đối với trường hợp đã có gia đình, quan hệ bạn bè thân thích của gia đình (có quan hệ với các thế lực chống đối xã hội hay không, v.v) cũng sẽ được xem xét.
Sinh sống ổn định mà không gặp vấn đề về kinh tế
Quá trình thẩm tra sẽ xem xét đối tượng có công việc ổn định và cả gia đình có thể sinh sống mà không gặp vấn đề gì hay không. Thu nhập là mục được xem xét chính, và điều kiện cần thiết là thu chi của gia đình không được thâm hụt. Trong trường hợp đang điều hành doanh nghiệp, tình trạng kinh doanh của doanh nghiệp đó phải tốt, không được trong trạng thái khó khăn. Tiêu chuẩn thấp nhất đối với thu nhập mỗi tháng được cho là trên 180,000 yên.
Có thể từ bỏ quốc tịch đang có
Do luật pháp Nhật Bản không công nhận 2 quốc tịch, nhập tịch Nhật Bản đồng nghĩa với việc từ bỏ quốc tịch hiện tại. Việc có thể từ bỏ quốc tịch, hoặc hiện tại đang không có quốc tịch là điều kiện cần thiết.
Không có những tư tưởng nguy hiểm, bạo lực
Ví dụ cho những trường hợp trên có thể kể đến như mưu đồ lật đổ chính phủ, hoặc âm mưu một cuộc cách mạng thông qua vũ trang, v.v. Những trường hợp này sẽ không được phép nhập tịch Nhật Bản. Những hành vi gây hại tới chính phủ và công dân Nhật Bản sẽ bị ngăn cấm một cách triệt để. Ngoài ra, có liên quan tới các băng đảng, tổ chức với các tư tưởng trên cũng sẽ là điểm trừ lớn. Kể cả gia đình của người nộp đơn nếu có liên quan cũng sẽ là điểm trừ.
Có thể đọc và viết tiếng Nhật
Do người nộp đơn sẽ tiếp tục sinh sống tại Nhật, trình độ tiếng Nhật cũng sẽ được xem xét. Tuy nhiên, không phải vì như thế mà trình độ tiếng Nhật cao đến mức có thể phiên dịch, biên dịch sẽ bị yêu cầu. Trình độ năng lực tiếng Nhật từ N4 đến N3 là đủ để đạt yêu cầu. Tuy sẽ có một bài thi kiểm tra tiếng Nhật, câu hỏi sẽ không quá khó và chỉ cần có thể đọc và viết tiếng Nhật ở một mức độ nhất định thì sẽ không có vấn đề gì.
Yêu cầu của nhập tịch đặc biệt (nhập tịch đơn giản)
Quy trình nộp đơn và độ phức tạp của nhập tịch đặc biệt (hay còn gọi là nhập tịch đơn giản), cũng không có gì khác. Tuy nhiên, các yêu cầu sẽ được nới lỏng và quá trình xét duyệt có xu hướng bớt khắt khe hơn. Các yêu cầu của nhập tịch đơn giản được quyết định theo Điều 6 của Luật Quốc Tịch, và nếu thỏa mãn các yêu cầu bên dưới sẽ có thể nộp đơn nhập tịch đơn giản.
1. Là con (ngoại trừ con nuôi) của người đã từng là người Nhật và có 3 năm liên tục sinh sống tại Nhật Bản
Đây là trường hợp khi bố hoặc mẹ của đối tượng nộp đơn từng là người Nhật và đã từ bỏ quốc tịch Nhật Bản. Do Nhật Bản không chấp nhận 2 quốc tịch, khi nhập tịch của quốc gia khác sẽ phải từ bỏ quốc tịch Nhật Bản. Vì lý do trên, con của người đã bỏ quốc tịch Nhật Bản sẽ không có quốc tịch Nhật Bản, nhưng nếu đối tượng đó sinh sống trên 3 năm tại Nhật Bản sẽ có thể nộp đơn xin nhập quốc tịch Nhật Bản. 2 năm sinh sống tại Nhật Bản sẽ được rút gọn khi so sánh với nhập tịch thông thường.
2. Là người sinh ra tại Nhật Bản và sinh sống liên tục tại Nhật Bản trên 3 năm, hoặc có bố hoặc mẹ (ngoại trừ bố mẹ nuôi) là người sinh ra tại Nhật Bản
Người Hàn Quốc sinh sống tại Nhật Bản, thế hệ người Triều Tiên thứ 2, thứ 3 tại Nhật Bản, v.v sẽ rơi vào trường hợp này. Có rất nhiều người Hàn Quốc, người Triều Tiên sinh sống tại Nhật Bản mong muốn nhập tịch cùng thời điểm với các mốc quan trọng của cuộc đời như kết hôn, sinh con, bắt đầu làm việc, v.v. Đối với các bạn có mong muốn nhập tịch, xin hãy kiểm tra số năm sinh sống tại Nhật Bản của mình và đừng ngần lại liên hệ tới chúng tôi nhé.
3. Có nơi cư trú tại Nhật Bản trên 10 năm liên tục
Điều kiện của nhập tịch thông thường là sinh sống trên 5 năm tại Nhật Bản, tuy nhiên ở đây thì điều kiện không phải là nơi sinh sống hợp pháp mà là có nơi cư trú tại Nhật Bản. Nơi cư trú là một khái niệm xa lạ, và nó có vẻ không có gì khác so với nơi sinh sống. Tuy nhiên, nơi sinh sống hợp pháp và nơi cư trú là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau trên phương diện pháp luật.
Nơi sinh sống hợp pháp
Đối với nơi sinh sống hợp pháp, có thể hiểu đơn giản đây là nơi mà hiện tại các bạn đang sinh sống tại Nhật Bản.
Nơi cư trú
Trên phương diện pháp lý, nơi cư trú có nghĩa là nơi sinh sống nhưng chỉ trong một thời gian cố định chứ không phải là nơi sinh sống lâu dài, đồng nghĩa với việc người nộp đơn phải chứng minh rõ ràng mình sẽ rời khỏi nơi cư trú này vào một thời điểm nhất định. Ký túc xá nhân viên ở nơi làm xa, khách sạn ở địa điểm công tác, bệnh viện đang nhập viện, v.v là các nơi cư trú. Trong trường hợp nhập tịch thông thường, thời gian làm việc cần thiết là trên 3 năm, nhưng trong trường hợp nhập tịch đơn giản, thời gian làm việc cần thiết sẽ được giảm xuống còn trên 1 năm.
4. Vợ/chồng của người Nhật
Người nước ngoài kết hôn với người Nhật có thể nộp đơn xin nhập tịch với số năm lưu trú cần thiết ngắn hơn thông thường. Có 2 trường hợp khác nhau, và điểm quan trọng ở đây là người nộp đơn đã ở Nhật Bản hay chưa ở thời điểm kết hôn.
Sinh sống hợp pháp tại Nhật Bản 3 năm liên tục và hiện tại đang sinh sống hợp pháp tại Nhật Bản
Trường hợp người nước ngoài đã có trên 3 năm sinh sống tại Nhật Bản vào thời điểm kết hôn thì sẽ có thể nộp đơn nhập tịch cùng với thời điểm kết hôn. Trường hợp kết hôn khi đã sinh sống tại Nhật Bản 2 năm, nếu sinh sống thêm 1 năm nữa tại Nhật Bản sau khi kết hôn thì sẽ có thể nộp đơn nhập tịch.
Sau 3 năm kể từ ngày đăng ký kết hôn và sinh sống liên tục trên 1 năm tại Nhật Bản
Trường hợp người nước ngoài kết hôn với người Nhật và đến Nhật Bản sau khi kết hôn 3 năm, nếu lưu trú tại Nhật Bản 1 năm thì sẽ có thể nộp đơn nhập tịch.
5. Con của người Nhật
Theo luật pháp, có 2 loại con là con ruột và con nuôi. Điều kiện nhập tịch sẽ thay đổi tuỳ vào trường hợp con ruột hay con nuôi.
Con ruột
Một số người thắc mắc rằng con của người Nhật thì cũng là người Nhật, vì sao lại cần phải làm thủ tục nhập tịch? Nội dung này dành cho trường hợp người nước ngoài đã nhập tịch Nhật Bản, và con của họ vẫn còn mang quốc tịch cũ trước khi nhập tịch của bố hoặc mẹ, hoặc trường hợp người sinh ra tại nước ngoài có bố hoặc mẹ là người Nhật và đã lựa chọn quốc tịch của đất nước nơi mình được sinh ra, v.v. Trong các trường hợp vừa nêu, chỉ cần có địa chỉ định cư lâu dài tại Nhật Bản thì có thể nộp đơn nhập tịch mà không cần quan tâm đến số năm lưu trú.
Con nuôi
Những ví dụ của trường hợp này có thể kể đến như bên dưới.
Sinh ra với bố mẹ là người nước ngoài → Bố mẹ ly dị → Bố hoặc mẹ sau khi nhận quyền nuôi con tái hôn với người Nhật → Đến Nhật Bản cùng bố mẹ sau khi tái hôn → Được bố dượng/mẹ kế người Nhật nhận làm con nuôi
Tuy nhiên, trường hợp trên sẽ cần có 2 điều kiện để có thể nhập tịch.
Yêu cầu nhập tịch sẽ không được chấp nhận khi đối tượng chỉ vừa đến Nhật Bản. Tối thiểu trên 1 năm lưu trú là cần thiết để nộp đơn.
Đây là điều kiện về tuổi tác. Nhập tịch đơn giản sẽ không được chấp thuận nếu người nộp đơn đã qua độ tuổi trưởng thành theo luật pháp của nước sở tại. Do tuổi trường thành ở Việt Nam là 18 tuổi, chỉ con nuôi đến 17 tuổi được phép nhập tịch đơn giản. Các bạn hãy cố gắng chú ý đừng để nhẫm lần vấn đề này nhé. Đây là điểm rất quan trọng nên chúng tôi sẽ nhấn mạnh một lần nữa. Tuổi trường thành ở đây là theo luật pháp nước sở tại chứ không phải theo luật pháp Nhật Bản.
Những trường hợp như trên tiêu đề sẽ có đủ điều kiện để nhập tịch đơn giản.